Chè xanh là cây công nghiệp lâu năm, chỉ một lần trồng cho thu hoạch 30 – 40 năm. Do đó chè được người dân rất ưa chuộng và trồng ở nhiều nơi. Bên cạnh việc chọn giống chè tốt, phù hợp, áp dụng đúng kỹ thuật trồng… thì đất trồng cũng là yếu tố quan trọng góp phần giúp cây chè có hiệu quả cao. Cùng chúng tôi tìm hiểu Cây chè thích hợp với loại đất nào qua bài viết dưới đây nhé!
Đặc điểm đất trồng tối ưu
Việt Nam đứng thứ 5 về diện tích và thứ 6 về sản lượng chè trên thế giới. Năm 2017, Việt Nam có diện tích trồng chè là 129,3 nghìn ha với sản lượng 1.048,8 nghìn tấn chè tươi. Hiện, nước ta tiếp tục là quốc gia xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới với tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 7% tổng lượng chè xuất khẩu của thế giới.
Có thể nói rằng một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất của cây chè là đất trồng. Đất phù hợp cộng thêm các điều kiện sinh trưởng, tự nhiên sẽ góp phần giúp cây chè đạt được hiệu quả và năng suất tối ưu nhất. Các điều kiện sinh thái thích hợp cho cây chè là: Đất tốt, chua, thoát nước, ẩm và mát.
So với một số cây trồng khác, chè yêu cầu về đất không nghiêm khắc lắm. Đây là giống cây có rễ ăn nông, đất trồng chè càng có nhiều mùn càng tốt, độ dày tầng đất ít nhất phải > 60 cm, đất giữ ẩm tốt nhưng phải thoát nước. Đất trồng chè phải có phản ứng chua, pH tốt nhất là 5,0 – 5,5; khi pH > 6 không nên trồng chè vì khi pH > 7 thì chè có thể bị chết, khi pH < 4 thì chè phát triển rất kém.
Cây chè được trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất bazan, phù sa cổ trên phiến thạch và sa thạch với mật độ khoảng 10.000 hốc/ha.
Tuy nhiên, đất trồng chè đa số chỉ có tầng canh tác dày 50 -70 cm, hiếm khi trên 1 m. Lượng mưa tập trung theo mùa làm cho đất bị rửa trôi, xói mòn trong mùa mưa; còn mùa khô thì hạn hán trầm trọng, thậm chí ngay vào thời điểm mùa mưa cây chè vẫn bị hạn do đất dốc không giữ được nước. Cách mực nước ngầm phải dưới 1 mét thì hệ rễ mới phát triển bình thường.
Tham khảo thêm:
- Cây điều – Cẩm nang kiến thức về cây công nghiệp lâu năm
- Cacao – Nguồn gốc xuất xứ, lịch sử hình thành từ đâu?
Sự khác biệt về đất của từng địa hình
Đất trồng chè của ta ở các vùng Trung du phần lớn là feralit vàng đỏ được phát triển trên đá granit, nai, phiến thạch sét và mica. Ở vùng núi phần lớn là đất feralit vàng đỏ được phát triển trên đá mẹ phiến thạch sét. Về cơ bản những loại đất này phù hợp với yêu cầu sinh trưởng của chè như có độ pH từ 4 đến 5 có lớp đất sâu hơn 1 mét và thoát nước. Những đất này thường nghèo chất hữu cơ nhất là ở các vùng trồng chè cũ. Vì thế vấn đề bón phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho chè và cải tạo kết cấu vật lý của đất là rất cần thiết. Bên cạnh đó, phải coi trọng việc bón đủ và hợp lý phân hóa học hàng năm cho chè.
Chè là loại cây kỵ vôi, nhiều tài liệu cho biết trong đất trồng chè chỉ có một lượng vôi rất ít, khoảng 0,2% CaCO3 đã làm cây chè bị hại. Bởi thế không bao giờ người ta dùng vôi để bón vào đất trồng chè, trừ trường hợp đất có độ pH quá thấp, dưới 4.
Quan hệ giữa đất và phẩm chất chè rất phức tạp. Phẩm chất do nhiều yếu tố quyết định và tác dụng một cách tổng hợp. Song trong những điều kiện nhất định thì điều kiện dinh dưỡng của đất có ảnh hưởng rất lớn đến phẩm chất.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy: Chè sinh trưởng trên loại đất pha cát, nhiều mùn, thích hợp cho việc chế biến chè xanh, mùi vị hương của chè thành phẩm đều tốt. Nếu chè trồng trên đất nặng màu vàng thì có vị đắng và nước có màu vàng; ngược lại, chè trồng trên đất xấu hương không thơm, vị nhạt và chất hòa tan ít.
Địa hình có ảnh hưởng đến đất đai từ đó cũng tác động đến sự sinh trưởng và chất lượng chè. Thực tiễn ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cho thấy: Chè không trồng trên núi cao có hương thơm và mùi vị tốt hơn chè trồng ở vùng thấp và đồng bằng. Kinh nghiệm nhận thấy chè được chế biến từ nguyên liệu ở núi cao Xrilanca có mùi thơm của hoa mà hương vị đó không thể có được trong chè trồng ở khu vực thấp. Nhiều người làm chè ở Nga,Trung Quốc đã xác định chè trồng ở nơi có địa thế càng cao hơn mặt biển (trong một chừng mực nhất định) thì khuynh hướng tạo và tích lũy chất tanin càng lớn.
Phần lớn các vùng trồng chè có phẩm chất tốt của các nước trên thế giới thường có độ cao cách mặt biển từ 500 đến 800 mét. Vùng chè ngon có tiếng ở Ấn Độ trồng ở độ cao cách mặt biển 2.000 mét. Nghiên cứu của Viện nông học Hồ Nam (1957) cho thấy ảnh hưởng của độ cao so với mặt biển tới hàm lượng tanin trong búp chè tốt hơn so với những cao ở độ cao trung bình hoặc thấp.
Chè trồng khi đất đủ ẩm, sau khi mưa trời râm mát. Ở miền Bắc tốt nhất là tháng 8 – 10 (mưa ngâu) cũng có thể trồng vào tháng 2 – 3 (mưa Xuân). Miền Nam trồng vào đầu mùa mưa từ 5 – 7. Thời điểm đất tơi xốp thông thoáng, giúp rễ phát triển nhanh, nâng cao khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và năng suất cao nhất.
Tham khảo thêm:
- Lợi ích của cây chè và lá chè đối với sức khỏe con người
- Giới thiệu các giống chè ở Việt Nam phổ biến hiện nay
- Kỹ thuật trồng chè và cách chăm sóc cây chè
Vậy Cây chè thích hợp với loại đất nào để có năng suất cao chắc hẳn bạn đã có lời giải cho câu hỏi này rồi nhỉ? Nếu muốn trồng chè, bạn hãy tìm đến những vùng đất càng có nhiều mùn càng tốt, độ dày tầng đất ít nhất phải > 60cm,… Như vậy sẽ cho năng suất rất cao. Hãy tìm hiểu để có những lựa chọn đúng đắn cho bản thân nhé!