Nhắc đến cây thông, bạn thường nghĩ đến hình ảnh một cây xanh lấp lánh trong dịp giáng sinh. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều loại, và thường biết đến với loại thân gỗ cao, mang lại nhiều lợi ích kinh tế từ thân, lá, vỏ hơn là một loại cây trang trí. Vậy bạn đã biết gì về loại cây này chưa, cùng mình tìm hiểu nhé
Nguồn gốc ra đời của cây thông
Cây thông gốc từ vùng Bắc bán cầu, và sau đó phát triển sang các vùng ôn đới và cận nhiệt đới. Tại Mỹ, ở dãy núi White thuộc California, có một loại với tuổi thọ lên tới 4.842 năm, đây được xem là cây lâu đời nhất thế giới.
Ở Việt Nam, cây thông được trồng chủ yếu để lấy gỗ, lấy nhựa và trồng dọc các tuyến đường quốc lộ, hoặc trên các ngọn đồi cao. Phân bổ rất nhiều ở các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Lắk và các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai.
Đặc điểm nhận diện của cây thông
Cây thông có rất nhiều loài, tuy nhiên loài phổ biến trồng nhiều mà chúng ta thường thấy nhất là các loài thường dùng để lấy gỗ.
Đặc điểm thân và lá
Cây thông là một loại thực vật thân gỗ, trong thân chứa nhiều nhựa, có loại rất thơm, có loại có mùi hắc không thể sử dụng được. Vỏ thường có màu nâu đỏ, rất dày, nứt dọc theo thân.
Gỗ thông có màu sắc da cam nhạt hoặc màu nâu nhạt, có đặc tính nhẹ, cứng, và không thấm nước nên thường dùng trong ngành công nghiệp xây dựng, làm diêm, nội thất. Các lá thì hình kim màu xanh thẫm, rất cứng, dài trung bình khoảng 20cm, tuỳ vào đặc tính từng loại mà hình dáng lá sẽ có phần khác nhau.
Hoa và quả của cây thông
Hoa của cây thông có nón cái và nón đực, nón cái thường chín sau 2 năm sinh trưởng. Ở năm đầu tiên, vảy của hoa nón không có gai, tới năm thứ hai mới bắt đầu có tạo thành các cạnh vảy sắc, hơi lồi ra.
Quả thì có hình nón, dạng gỗ khá cứng, nhìn qua có hình trái xoan, chúng thường phát triển khoảng 1-2 năm, sau đó thì biến thành gỗ.
Các loại cây thông được trồng ở Việt Nam
Trên thế giới có 125 loại cây thông, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ có vài loại được trồng phổ biến, đặc biệt là các loại lấy gỗ và nhựa.
Cây thông Đà Lạt – thông năm lá
Đây là một loại cây thông đặc trưng của nước ta, được trồng nhiều ở Lâm Đồng. Đặc biệt là Đà Lạt, bạn sẽ bắt gặp nhiều nhất là các con đường dẫn vào thành phố, hay quanh những nếp nhà, như một biểu tượng đặc trưng của thành phố xinh đẹp này.
Với đặc điểm cây thân gỗ cao có thể tới 30m, đường kính lên tới 0,8m. Ở giai đoạn đầu khi trồng không có nhiều lông tơ, tới năm thứ 2, năm thứ 3 thì các lá kim bắt đầu mọc thành chùm 5 lá và có xu hướng bẻ cong, cũng vì thế người ta còn gọi là thông năm lá.
Tuy nhiên loài thông này chỉ trồng để lấy gỗ làm các sản phẩm mỹ nghệ nội thất chứ không có tác dụng lấy nhựa như các loại thông khác. Ngoài ra cũng là loại thông quý hiếm nằm trong sách đỏ, cần được bảo tồn ở nước ta hiện nay.
Thông ba lá hay còn gọi là xà nu, xà núi
Là một loại thông có nguồn gốc từ Ấn Độ, ngày nay được trồng nhiều ở Hà Giang, Sơn La, khu vực Tây Nguyên nước ta, Cao Nguyên Lâm Viên chiếm đến 90% trồng loại thông này của cả nước. Với đặc tính ưa thích khí hậu mát mẻ, đất tốt, và thường sống ở độ cao trên 900m.
Với đặc điểm phần nhựa khá ít lại có mùi hắc, thân gỗ cao lên tới 40m, nên loại cây này chỉ thường được dùng với mục đích lấy gỗ để sử dụng trong xây dựng, đóng đồ gia dụng, hoặc làm nguyên liệu sản xuất bột giấy.
Phần lá hình kim nhưng thường đính 3 lá kim trên một cành ngắn nên người ta mới thường gọi là thông ba lá. Tinh dầu của loại thông này được sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm, sản xuất thảo mộc, làm dung môi.
Thông nhựa – thông hai lá
Thông nhựa có đặc tính chịu nóng, chịu lạnh, đất đai khô cằn đều có thể sinh sống tốt, thích hợp với khí hậu vùng gần biển. Cũng là cây thân gỗ, phân cành thấp, thông thường cao khoảng từ 30-45m. Lá có hình kim và có hai lá mọc thành cụm màu xanh đậm nên mới có tên gọi là thông hai lá.
Khác với nhiều loại thông, thông nhựa được trồng chủ yếu để lấy nhựa, vì đây là loại thông cho lượng nhựa cao nhất. Đối với những cây thông có độ tuổi sinh trưởng từ 30 năm, thông thường có thể đem lại khoảng 4kg nhựa / năm và thường được sử dụng làm tinh dầu thông và làm xà phòng.
Ngoài ra phần gỗ vẫn được sử dụng trong xây dựng, gia dụng tuy nhiên ít hơn. Ở nước ta, loại thông này lại chủ yếu trồng ở những tỉnh miền Trung và một số tỉnh ở vùng Bắc Bộ, vì nó là loại cây tiên phong của những vùng đồi núi cằn cỗi không thể trồng gì.
Thông đỏ hay còn gọi là thông đỏ nam-loại thảo dược quý
Thông đỏ là một họ cây thông của vùng Himalaya, phía đông Afghanistan cho tới Tây Nam Trung Quốc. Là một loài dạng cây bụi hoặc thân gỗ nhỏ nhiều cành, ở nước ta là một loài thực vật rừng quý, phân bố chủ yếu ở Lâm Đồng, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An…Thông đỏ ưa bóng mát, nên sống ở vùng cận nhiệt đới, và thường sống ở độ cao từ 1.300m trở lên.
Phần gỗ của loại thông này cũng khá quý,với đặc tính cứng và chịu được nước hay dùng làm các loại đồ cao cấp, với màu nâu đỏ nhạt, hơi dày. Tinh dầu thông đỏ giúp xoa dịu thần kinh khi đang cảm thấy căng thẳng, giúp an tâm, ngủ ngon.
Đây được coi là một dược liệu quý hiếm, phần lá và vỏ cây dùng để điều trị bệnh ung thư. Không những thế, lá thông đỏ là một loại thuốc bắc có vị đắng, tính ấm thường dùng để giúp các tổn thương phần mềm mau lành, cải thiện các chứng bệnh viêm.
Thông đuôi ngựa – thông mã vĩ
Loại thông này có nguồn gốc tử tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, sau đó được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc nước ta như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cao, Thanh Hoá..Chúng ưa thích đất sâu, thích hợp với thổ nhưỡng ở những vùng đất hơi chua, khí hậu có phần lạnh nhưng phải nhiều nắng, độ ẩm cao.
Gỗ của loại thông này khá xấu, thô phẳng và nhẹ. Nên chủ yếu được dùng trong các lĩnh vực xây dựng, tạo ra một số đồ gia dụng, đặc biệt là để làm diêm. Ngoài ra còn dùng để lấy nhựa sử dụng cho ngành công nghiệp và y tế. Trong đông y, còn dùng lá để chữa một số bệnh như sỏi mật, thấp khớp hay mụn nhọt.
Những lưu ý để cây thông phát triển nhanh chóng
Đầu tiên là chuẩn bị cây thông giống, tuỳ vào loại thông bạn muốn trồng và đặc điểm vùng miền. Trung bình khi cây con đạt từ 5-9 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để đem hạ thổ. Khi đó cây thông rễ đã phát triển đều, không có vấn đề về sâu bệnh thì đạt chuẩn để trồng.
Mặc dù cây thông có khả năng chịu nóng, chịu lạnh, chịu sự khắc nghiệt cao. Tuy nhiên, cây con khi hạ thổ cần có điều kiện tối ưu để dễ dàng phát triển. Vì thế ở các tỉnh miền Bắc nên trồng vào vụ xuân, còn các tỉnh phía Nam nên trồng đầu mùa mưa, khi đó thời tiết mát mẻ, thuận lợi để cây bén rễ và phục hồi.
Chăm sóc và bón phân cho loài cây này cũng là điểm bạn cần lưu ý nếu muốn loại cây này phát triển tốt. Vì là loại chịu hạn, ưa nắng thích sống ở trên cao, nên với cây con cũng chỉ cần tưới nước ban đầu vừa đủ. Trong ba năm đầu sinh trưởng, bạn cần chăm sóc. bón phân, tỉa nếu thấy mật độ cây quá dày.
Lợi ích mà cây thông mang lại
Cây thông là không chỉ dễ trồng, mà các bộ phận trên cây từ gỗ, nhựa, vỏ, lá đều hữu ích. Cùng mình tìm hiểu xem, những lợi ích nào khiến cây thông đem lại nhiều giá trị kinh tế cho con người nha.
Lợi ích kinh tế cao từ nhựa cây thông
Nhựa thông đa số dùng để tinh chế tinh dầu thông. Với đặc điểm có tính sát trùng, tiêu viêm, kháng sinh. Nên thường được dùng để chữa các bệnh ngoài da , mụn nhọt, ghẻ lở.
Một phần còn lại của nhựa thông gọi là colophan dùng làm một nguồn nguyên liệu trong công nghiệp như: làm xà phòng, keo, dung môi trong công nghiệp sơn, tuyển quặng và sản xuất các loại thuốc trừ sâu thảo mộc.
Vỏ thông đem lại nhiều lợi ích cho con người
Giúp cơ thể giảm huyết khối tĩnh mạch sâu và giảm nhiễm trùng. Đó là một trong những tác dụng của vỏ cây thông, được biết đến nhờ các hoạt chất proanthocyanidin, ngăn chặn sự tăng trưởng của các chứng nhiễm trùng.
Ngoài ra, các chất có trong vỏ cây này giúp giảm tình trạng đau nhức xương khớp, đặc biệt là hội chứng viêm khớp mãn tính, cải thiện tình trạng sưng chân, cứng khớp. Không những thế, khi sử dụng chiết xuất vỏ thông trong vòng khoảng 7-8 tuần, huyết áp được giảm đáng kể, do việc hỗ trợ sản sinh ra collagen, elastin.
Gỗ cây thông được dùng khá phổ biến
Gỗ thông có đặc tính nhẹ, nhưng cứng, bền và không thấm nước, nên được sử dụng rất nhiều trong ngành xây dựng. Ngoài ra phần gỗ cây thông còn được dùng trong sản xuất các đồ gỗ thông thường, gia dụng, đóng thùng đựng hàng,… đặc biệt dùng nhiều trong công nghiệp chế biến gỗ dán, bột giấy và tạo ra các loại sợi tổng hợp.
Các bộ phận của cây thông sử dụng để trang trí
Ngoài những công dụng thường thấy của cây thông trong y học, công nghiệp, nông nghiệp. Thì ngày nay, khi cuộc sống tinh thần được ưu ái hơn, chúng còn được biết đến nhiều với công dụng trang trí.
Những cành thông tươi được sử dụng trong những dịp noel để trang trí . Đối với quả thông khô, cũng đang được bày bán như một món quà lưu niệm, trang trí tại nhà hay các quán cafe, tiệm sách, văn phòng.
Kết bài
Ngày nay, trên thế giới, dường như cây thông đã trở thành một biểu tượng của giáng sinh không thể thiếu. Ở nước ta, không khó để thấy loại cây này được trồng dọc các quốc lộ ở khu vực Tây Nguyên hay các ngọn đồi ở Lâm Đồng rất nhiều. Hy vọng những thông tin cung cấp trong bài viết, giúp bạn hiểu hơn về loài cây mang nhiều giá trị kinh tế này.