Cà phê từ lâu được biết đến là một loại hạt có mùi thơm đặc trưng, là một loại thức uống quen thuộc đối với mọi người, bởi việc uống để thư giãn, để tỉnh táo hay để tụ họp bạn bè đã trở nên rất quen thuộc, nó dần đi vào đời sống của mỗi người như một loại thức không thể thiếu.
Truyền thuyết về cà phê
Theo truyền thuyết kể lại, giống cây này được một người nông dân chăn dê ở Kaffa ( là Ethiopia ngày nay) đã phát hiện rằng những con dê trong đàn sau khi ăn những cây có hoa trắng, quả màu xanh và đỏ thì chúng chạy nhảy không biết mệt mỏi cho đến tận đêm khuya.
Sau đó loại hạt này được một người chăn dê khác thử và anh ta đã xác nhận về công hiệu của loại hạt này. Từ đó họ truyền miệng về công dụng thần kỳ giúp họ tỉnh táo. Như vậy, có thể nói nhờ “đàn dê” này mà con người đã biết được cây cà phê.
Sự phân bố rộng rãi của cà phê trên toàn thế giới
Cà phê được khám phá lần đầu tiên ở những vùng cao nguyên xa xôi Ethiopia vào thế kỉ thứ 9. Dần sau đế tận thế kỷ thứ 15 thì nó mới được biết rộng rãi đến Mỹ, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Châu Phi.
Giống cây này được vận chuyển từ Ethiopia đến các khu vực bán đảo của Ả Rập và vùng đất thuộc Yemen ngày nay. Ban đầu họ lấy vỏ để làm chè, cho đến khi đến Thổ Nhĩ Kỳ thì người ta mới rang xay phần nhân và cho ra đời loại hạt như ngày nay.
Lúc bấy giờ Ả Rập tìm mọi cách để giấu đi bí mật về giống cây mới này, họ chỉ cho phép vận chuyển hạt đã được rang lên chứ không được phép mang theo quả còn sống. Đến những năm 1640, khi đã xuất hiện nhiều ở Châu Âu nhưng chỉ có Ả Rập mới biết được chính xác loại hạt giống và hình ảnh về loại cây này.
Đến năm 1700 thì người Hà Lan đã lấy cắp một cây từ Yemen và từ đó cả thế giới biết đến loại cây thần kỳ này. Hàng quán kinh doanh mọc lên như nấm và trở thành nơi trao đổi thông tin của tầng lớp thượng lưu, tri thức.
Một đại úy bộ binh Pháp đã trồng và chăm sóc một cây nhỏ trong hành trình dài vượt Đại Tây Dương và đã mang đến với Châu Mĩ. Từ đó mà cây cà phê đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Cấu tạo của quả cà phê
Cà phê được cấu tạo từ nhiều lớp khác nhau nhưng được nhóm thành hai phần chính chính là phần vỏ quả (gồm vỏ quả bên ngoài và thịt quả) và phần hạt (gồm lớp vỏ trấu, lớp lụa và phần nhân hạt).
Phần vỏ quả
Lớp vỏ quả được cấu thành từ các tế bào lục lạp có khả năng hấp thụ nước, ban đầu vỏ quả có màu xanh lá cây nhờ sự xuất hiện của lục lạp, và sẽ mất đi màu xanh ấy khi quả chín.
Khi chín thì thường có màu đỏ rực hoặc màu vàng. Lớp thịt quả khi chưa chín rất cứng, gắn liền với vỏ quả, khi chín thì lớp thịt này sẽ trở nên mềm, mọng nước và có độ nhớt cao nên gọi là chất nhầy.
Phần hạt trong quả
Lớp vỏ trấu hình thành từ tế bào xơ cứng, tiếp xúc trực tiếp với vỏ quả. Lớp vỏ trấu này sẽ cứng dần trong quá trình chín và hạn chế kích thước của nhân.
Lớp vỏ lụa có màu trắng bạc, lớp này rất mỏng nên có thể tự bóc tách ra khỏi nhân trong quá trình đánh bóng hạt hay chúng cũng có thể tự hủy trong quá trình xay.
Nhân là phần tích lũy chất dinh dưỡng của quá trình nảy mầm của phôi. Một quả thường sẽ có 2 nhân nhưng cũng trường hợp có 1 hoặc 3 nhân.
Các dòng cafe ở Việt Nam
Với khí hậu và điều kiện thuận lợi ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên thì đây đã trở thành cây công nghiệp quan trọng bậc nhất, điều này góp phần đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 trên thế giới sau Brazil. Chính vì thế mà ở Việt Nam tập trung rất nhiều giống, loại nổi tiếng trên thế giới.
Cà phê Arabica
Tại Việt Nam được trồng chủ yếu ở Lâm Đồng nơi có khí hậu mát mẻ, dòng này chiếm tới ⅔ lượng cà phê của thế giới. Hạt Arabica này hơi dài, có vị hơi chua do được lên men nên có vị khác với các loại còn lại.
Robusta
Đây là dòng chiếm tới 90% ở thị trường Việt Nam. Hạt Robusta có kích thước nhỏ hơn so với Arabica và được sấy trực tiếp thay vì lên men như Arabica. Vị đắng nên cũng rất đặc trưng, khi du khách nước ngoài uống cà phê này ở Việt Nam, họ thường bị bất ngờ vì sự đậm đà của nó.
Culi
Dòng Culi này có kích thước to, dáng trò và đặc biệt chỉ chứa duy nhất một hạt trong trái. Culi có vị đắng gắt, hàm lượng cafein cao, màu đen sánh và có hương thơm đặc biệt.
Cherry
Giống Cherry này được trồng tại những vùng đất khô, chủ yếu là các cao nguyên. Vị của loại này rất độc đáo, được phái nữ ưa chuộng
Moka
Moka được người Pháp đưa vào Việt Nam vào những năm 30, được trồng chủ yếu ở Đà Lạt – Lâm Đồng. Giống này rất khó trồng vì chúng thường hay dễ bị sâu bệnh. Kỹ thuật trồng đặc thù nhưng năng suất thấp nên vì vậy mà Moka có giá cao và có hương vị rất đặc biệt
Catimor
Đây là loại thuộc loại hạt của Arabica nên nó cũng sẽ có vị chua đặc trưng của giống này. Phù hợp trồng tại những nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ. Để dễ sinh trưởng và phát triển thì nhiệt đồ từ 15-24 độ C là phù hợp nhất với giống cà phê này
Phương pháp chế biến cà phê
Ở Việt Nam, để giữ được hương vị khác nhau của những “hạt ngọc quý”, các xưởng chế biến cũng áp dụng nhiều phương pháp chế biến khác nhau để giữ lại được trọn vị nhất có thể.
Nhìn chung thì chế biến chỉ là tách vỏ khỏi quả chín và rồi làm khô lại khi độ ẩm chỉ còn khoảng 10-20%, nhưng chỉ nghe thì có vẻ đơn giản mà quy trình của chúng thì vô cùng phức tạp.
Phương pháp làm khô tự nhiên
Phương pháp này được hiểu đơn giản là dùng ánh nắng mặt trời để phơi trực tiếp những hạt chín khi vừa được hái xuống, đây là phương pháp có từ rất lâu đời. Để quá trình được diễn ra nhanh hơn thì một số nơi họ còn dùng quạt thổi hơi nóng.
Phương pháp làm ướt
Đầu tiên trái được tách lớp vỏ và lớp thịt, xay nát cà phê. Sau đó được mang đi ủ để loại bỏ chất nhầy. Thời gian ủ từ 12 tiếng đến thậm chí là 6 ngày tùy thuộc vào hương vị mà bạn mong muốn. Để càng lâu thì vị chua càng đậm hơn. Tiếp sau đó thì được rửa sạch lại bằng nước và được đem đi sấy khô.
Phương pháp mật ong
Phương pháp này là sự kết hợp của làm khô và ướt, phương pháp mật ong là chọn ra những hạt chín vì hàm lượng đường là cao nhất. Vỏ trái được tách hoàn toàn, lớp thịt được bóc tùy vào cấp độ lên men mà bạn mong muốn để hạt mang lại hương vị phù hợp. Sau đó chúng được đem phơi bằng ánh nắng tự nhiên.
Lợi ích cà phê mang lại
Lợi ích chủ yếu mà loại hạt này mang lại nhiều hơn là hại, chủ yếu là có lợi sức khỏe con người. Đối với một số người gặp nhiều vấn đề về tim mạch hay thần kinh sẽ không thật sự hợp để uống loại nước thần kì này.
Giúp bạn đốt cháy chất béo trong cơ thể, làm tăng quá trình trao đổi chất lên 3-11% sau thời gian ngắn uống. Giúp chuyển hóa chất béo thành năng lượng nhưng chủ yếu là cà phê đen chứ không phải là các loại được pha nhiều sữa.
Hạt này chứa nhiều cafein nên chính vì thế mà “đàn dê” nói trên mới có thể nhảy nhót đến khuya mà không biết mệt mỏi. Thức uống này giúp tỉnh táo, sảng khoái hơn nhưng cũng gây ra tình trạng bị “say”.
Giúp giảm nguy cơ mắc Parkinson, hội chứng run tay chân, khó vận động. Bạn có thể giảm 15-32% nguy cơ bị mắc bệnh Parkinson. Ngoài ra, còn giúp chống lại chứng đãng trí, hay quên, giảm nguy cơ bị ung thư, chống oxy hóa.
Cà phê giúp gan của bạn được bảo vệ khỏi bệnh xơ gan do rượu bia, uống càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng giảm nhưng không đồng nghĩa là uống thay nước lọc. Làm ức chế sự phá hoại mạnh mẽ của sâu răng lên đến 40%, còn làm giảm nguy cơ bị gút ở nam do sử dụng nhiều đường. Tốt hơn hết thì bạn nên dùng nhiều cà phê đen là tốt nhất đối với cơ thể.
Chế biến những món ăn ngon từ cà phê
Ở một đất nước có ẩm thực đa dạng và độc đáo như ở Việt Nam thì cafe cũng được sử dụng như một nguyên liệu nhà bếp. Cà phê được thêm để mang đến hương vị độc lạ cho các loại đồ ăn thức uống.
Người ta thường dùng để tăng thêm hương vị cho bánh flan, sự béo ngậy của bánh flan kết hợp với vị đắng cà phê đen làm cho hương vị của bánh thêm hài hòa và đặc biệt.
Rau câu vị cà phê là món ăn đầy tính sáng tạo, cùng với sinh tố đá bịch cà phê được xem như là những món gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ Việt Nam bởi sự dễ làm và hương vị khó quên.
Mứt dừa cà phê cũng là sự độc đáo trong nét ẩm thực của người dân Việt Nam. Khi đã quá nhàm chán với những hương vị vani hay dứa, thì người ta đã sáng tạo ra mứt dừa kết hợp với hương vị đắng mang đến sự mới lạ mà cũng vô cùng ngon.
Bánh da lợn cà phê chắc là được ít người biết đến vì phần lớn chỉ thấy màu xanh và trắng, nhưng để làm đẹp cho món ăn, đa dạng về màu sắc thì những người làm bánh cũng sáng tạo mà cho thêm vào bánh để cho ra màu và hương vị mới lạ, đặc trưng không lẫn đi đâu được.
Sữa chua cà phê hay cafe cốt dừa cũng được ra đời vì sự đa dạng hóa và sự kết hợp đặc biệt với nhiều thứ của cà phê,làm tăng thêm sự đa dạng trong ẩm thực Việt Nam.
Cà phê đem đến lợi ích nhiều như thế nên cũng không có gì lạ khi được xem là cây quan trọng trong ngành trồng cây công nghiệp, là nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực và nhất là thức không thể bỏ qua vào mỗi buổi sáng, hay thậm chí là thức uống cho bất kỳ lúc nào trong ngày.